SaVipharm – dịch chuyển thách thức để lớn mạnh

Có nhiều doanh nghiệp lao đao sau đại dịch, thậm chí có doanh nghiệp phá sản, hoặc thu nhỏ quy mô ngay trong đại dịch vì sự tắc nghẽn lưu thông và khó khăn của thị trường. Tuy nhiên, trong đại dịch và sau hơn một năm đại dịch tạm lắng, sự dịch chuyển mạnh mẽ của SaVipharm đã minh chứng cho một điều rằng, với lòng quyết tâm và tầm nhìn đúng đắn, thì mọi thách thức khó khăn sẽ chuyển hóa thành động lực để sáng tạo và phát triển.
 
Bí quyết bứt phá đi lên
Bằng quyết sách nhanh nhạy từ điều kiện cụ thể, bằng sự đồng lòng của đội ngũ và sự sáng suốt trong đường hướng dịch chuyển linh hoạt của Ban Lãnh đạo công ty mà linh hồn là TTƯT – DSCK II Trần Tựu, SaVipharm đã có những bước đi chắc chắn, nhanh, và hiệu quả trong và sau đại dịch. Hai quyết sách lớn mà SaVipharm tập trung cao để thực hiện sau đại dịch Covid-19 là: Nỗ lực phát triển sản xuất với nhà máy OSD hiện có, song song việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật mới, nâng cấp công nghệ, nghiên cứu phát triển đưa ra sản phẩm mới; Tích cực chuẩn bị hoàn tất việc đầu tư nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư.

Năm 2023, trước tình hình địa chính trị có những biến động, thị trường thuốc châu Âu nói riêng và toàn cầu nói chung thiếu thốn bất thường, Ban Lãnh đạo SaVipharm đã xây dựng chiến lược mới để sớm cung ứng thuốc do công ty sản xuất cho thị trường châu Âu, Mỹ. Đây là một quyết sách táo bạo, khó như việc đi lên trời, nhưng lại là động lực mạnh thúc đẩy toàn đội ngũ SaVipharm vững tin tiến bước.

Nhìn lại quá trình phát triển của công ty, có thể thấy ngay từ những ngày đầu thành lập, ông Trần Tựu đã đưa ra một đường hướng táo bạo “Đưa SaVipharm ra thế giới, đưa thế giới vào SaVipharm”. Có thể thấy sáng kiến độc đáo này đã xác lập SaVipharm với giá trị khác biệt và con đường đi xa hơn bởi tầm nhìn hoàn toàn mới của vị thủ lĩnh sáng suốt này. Bởi, chỉ có vươn ra thế giới để học hỏi, để sáng tạo và sản xuất ra được những dược phẩm chất lượng cao nhất bởi công nghệ tiên tiến nhất, và cũng từ đó mà vận dụng trí óc để cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng không ngừng, và đưa viên thuốc Việt trở ngược lại phục vụ người dân toàn cầu. Cùng với sáng kiến đó, ông còn mạnh dạn bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng ngành dược, điều mà các ông chủ doanh nghiệp cùng nghề thường kiêng dè, bởi tâm lý cho rằng họ là đối thủ cạnh tranh. Nhưng với ông Trần Tựu, từ tầm nhìn rộng của mình, ông sẵn sàng dịch chuyển đối thủ thành đối tác, biến thương trường (vốn bị coi là chiến trường) thành hội trường nơi các đối tác cùng bắt tay hợp tác kinh doanh, cùng đầu tư, cùng hưởng lợi. Điều này đã tạo nên sức mạnh và sức bật lớn cho SaVipharm. 
Với mục tiêu và sức mạnh đó có được từ đường hướng khác biệt và táo bạo, SaVipharm đã mạnh mẽ đầu tư đồng bộ cho hoạt động KH&CN, coi đây là động lực phát triển của SaVipharm. Các phòng thí nghiệm được đầu tư các trang thiết bị hiện đại từ các nước G7; pilot được đầu tư các thiết bị tương thích các trang thiết bị tại nhà máy sản xuất thương mại, phù hợp với qui định của GMP, tạo thuận lợi cho việc nâng cỡ lô, đảm bảo hiệu suất và chất lượng sản phẩm.

SaVipharm đã dành ngân sách khoảng 5% tổng doanh thu hàng năm để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học - nghiên cứu phát triển. Với mục tiêu tạo bước đột phá mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học – nghiên cứu phát triển giai đoạn 2015 - 2025, Dược sĩ Trần Tựu đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng Dự án Đầu tư Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Công nghệ cao SaVipharm với trọng tâm là đầu tư trang thiết bị - công nghệ trong hoạt động nghiên cứu và sản xuất thương mại các sản phẩm pellet, vi hạt; nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ các sản phẩm công nghệ sinh học, các thuốc điều trị ung thư công nghệ cao. Trung tâm đã hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động, hoàn thiện những chuyên đề nghiên cứu đầu tiên. Điều này không phải doanh nghiệp tư nhân nào cũng có đủ tiềm lực và sự táo bạo để đầu tư vào nghiên cứu khoa học – nghiên cứu phát triển. Và sau nhiều nỗ lực, SaVipharm đã nghiên cứu phát triển thành công 12 nhóm thuốc với hơn 250 sản phẩm được cấp Số đăng ký sản xuất thương mại. Trong đó phải kể đến các nhóm thuốc đặc trị như: nhóm thuốc tim mạch - huyết áp (19 sản phẩm), nhóm thuốc tiểu đường (6 sản phẩm), nhóm thuốc hạ lipid huyết (9 sản phẩm), nhóm thuốc kháng sinh - kháng virus (11 sản phẩm), nhóm thuốc tiêu hóa -gan mật (18 sản phẩm),... Sản phẩm của SaVipharm đã được sử dụng rộng rãi ở hầu hết các bệnh viện trung ương, địa phương, các cơ sở y tế, được cung ứng rộng rãi trong hệ thống nhà thuốc toàn quốc… Không chỉ được các Giáo sư, Bác sĩ, Dược sĩ trong ngành y tế tin dùng, các nhóm thuốc đặc trị của SaVipharm còn được đón nhận rộng rãi từ người bệnh cả nước.
 
Trong Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Công nghệ cao SaVipharm
 
Vị thủ lĩnh thông thái
Một số vị lãnh đạo và các chuyên gia trong ngành dược Việt Nam thống nhất ý kiến rằng, một trong những thế mạnh khác biệt của SaVipharm so với các doanh nghiệp dược khác, đó là đội ngũ nhân sự. Mà điển hình là vị thủ lĩnh của SaVipharm, TTƯT – DSCK II Trần Tựu. Ông là một tài năng độc lạ trong ngành dược, đã có những đóng góp quý giá cho ngành ở bất kể vị trí nào, từ người Dược sĩ chiến khu trong chiến tranh, cho tới việc tiếp quản cơ sở dược phẩm của chế độ cũ sau giải phóng, tới lãnh đạo doanh nghiệp, xí nghiệp dược nhà nước, ông đều được đẩy đến vùng khó khăn nhất, và luôn biết cách dịch chuyển khó khăn thành sự thành công với nỗ lực vượt mình và sáng tạo vượt trội. Một trong những phẩm chất hiếm có mà ta thấy rõ ở ông, đó là sự táo bạo đầy thông thái. Khó khăn và thách thức không chặn đường ông được, trái lại, chúng trở thành động lực để ông tập hợp lực lượng tinh hoa, cùng nhau sáng tạo để phát triển và nâng cao năng lực lên vượt bậc. “Sáng tạo, táo bạo hành động mạnh mẽ” đã trở thành thói quen trong ý chí hành động của vị lãnh đạo này. Nhận xét về ông Trần Tựu, Dược sĩ Hoàng Trọng Quang (Chủ tịch Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam) – người cùng thời với ông Tựu, cho biết: “TTƯT – DSCK II Trần Tựu có những đóng góp quan trọng cho ngành Dược Việt Nam. Ở mọi vị trí, ông ấy đều để lại những dấu ấn thay đổi và phát triển. Cụ thể: Khi là dược sĩ mới tốt nghiệp ra trường đã dũng cảm mang ba lô vượt đường mòn HCM vào B2 phục vụ chiến trường; Khi là Dược sĩ trẻ - sau giải phóng mới hơn 30 tuổi đã đảm trách vị trí Giám đốc XN dược phẩm 2.9 – đưa xí nghiệp 2.9 là điển hình của ngành Dược – sản xuất cao sao vàng xuất khẩu đem ngoại tệ về cho đất nước và đổi được nhiều hàng thiết yếu (trong thời buổi nước ta bị cấm vận ngặt nghèo); Khi làm Tổng giám đốc Liên hiệp xí nghiệp Dược Tp. HCM, ông đã có những quyết sách táo bạo, đó là:  liên doanh liên kết với các đơn vị ngoài, trồng dược liệu – sản xuất thuốc từ dược liệu, đảm bảo cung ứng thuốc cho Tp. HCM và cả nước. Và khi giữ vị trí Tổng giám đốc Liên hiệp xí nghiệp Dược Việt Nam, ông tiêu biểu cho hình ảnh một cán bộ ngành dược bền bỉ với sự nghiệp của ngành y tế và ngành dược, tập hợp được lực lượng cán bộ trong khối SXKD để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn tìm tòi, tiếp cận cái mới để đẩy mạnh SXKD, mở rộng quan hệ quốc tế. Ông có đặc điểm nổi bật là người làm việc nghiêm túc, chu đáo với bạn bè, đồng nghiệp. Luôn chấp hành sự phân công của tổ chức. Luôn được phân công bố trí vào những vị trí khó khăn, mà vẫn tiếp nhận vui vẻ rồi xây dựng đơn vị thành những điển hình mới. Dám đầu tư mạo hiểm, và cùng đội ngũ phát triển đơn vị dược đến với thành công, trở thành mũi nhọn ngành dược.”
 
 
Biến áp lực thành động lực phát triển
Với sự sáng suốt đó, khi thành lập SaVipharm, ông Trần Tựu cũng đã thể hiện quan điểm, lấy con người làm trung tâm của phát triển. Do đó, SaVipharm có đội ngũ cán bộ được tuyển chọn và đào tạo bởi các chuyên gia hàng đầu trong nước và ngoài nước. Những cán bộ khoa học ưu tú được gửi đi tham quan, học tập và đào tạo tại các trường, các trung tâm đào tạo ở nước ngoài như Trường Đại học Monash, Úc, Trung tâm GEA-NUS thuộc Trường Đại học Quốc gia Singapore... cử cán bộ tham dự các Triển lãm quốc tế về công nghệ sản xuất dược phẩm như CPHI; Cán bộ, công nhân viên SaVipharm đều được rèn luyện trong môi trường làm việc hiện đại nhất và tốt nhất, nhưng cũng luôn có thách thức, áp lực lớn. Ở SaVipharm, thách thức và áp lực đã trở thành thường trực, và những ai trụ lại được với công ty, gắn kết lâu bền thì đều có thói quen biến thách thức và áp lực thành động lực phát triển bản thân, đóng góp cho sự phát triển của công ty và phục vụ cộng đồng. Không tiến lên, đồng nghĩa với biến mất!
 
 
Ngay trong những ngày khó khăn nhất của đại dịch, đội ngũ SaVipharm đã thực hiện giải pháp “ba tại chỗ” để đảm bảo sức khỏe cũng như sản xuất. Không những thế, đội ngũ công ty đã đồng lòng, đồng sức đóng góp vào hành động chung chống lại đại dịch. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, công ty đã tài trợ tổng cộng hơn 5,3 tỉ đồng bao gồm một xe cứu thương với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, một máy xét nghiệm RT-PCR hiện đại và tiền mặt cho ngành y tế TP.HCM, thiết thực hỗ trợ các phương tiện và kinh phí trong công tác phòng chống dịch. Năm 2021, SaVipharm tiếp tục hỗ trợ ngành y tế, trung ương, TP.HCM và các địa phương với tổng trị giá trên 5 tỉ đồng bao gồm thuốc men, tài trợ Quỹ Vaccine,… SaVipharm vẫn tiến lên bất kể đại dịch hoành hành dữ thế nào.

Do vậy, ngay sau đại dịch, bất kể thị trường còn ách tắc với vô vàn khó khăn mới nảy sinh, SaVipharm vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 20% trở lên, một mức cao gấp đôi mức tăng trưởng trung bình của các doanh nghiệp dược trong thời kỳ bình thường. Thách thức này sau đại dịch dường như khiến các chiến binh SaVipharm phải nhân đôi, nhân ba năng lực của chính mình. Kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của SaVipharm đạt tăng trưởng tới hơn 15 % so với cùng kỳ năm trước, đó là một thắng lợi đáng trân trọng trong cuộc đua với chính mình của cả đội ngũ SaVipharm.
 
 Sao Khuê